Mùa xuân là mùa ngọt ngào nhất, mùa con ong đi lấy mật. Mùa của thực vật đâm chồi nảy lộc. Những đụn măng non tươi đội đất để vươn mình cùng anh chị em. Đó là lúc măng đã bắt đầu đắng. Vị đắng cứ tăng dần theo lớp mo nang chuyển từ trắng sang xanh, sau tiếng sấm đầu xuân.
Hòa Bình có rất nhiều loại măng khác nhau, từ nhỏ như ngón tay tới to như bắp chân.
Mỗi loại lại có cách chế biến và vị khác nhau.
Người ta hay nhớ đến món măng đắng nướng nhưng chỉ có một loại duy nhất mà người Mường nướng đó là măng lấy từ cây đành hanh. Loại này to vừa phải, chỉ bằng cổ tay, khi nướng sẽ giảm vị đắng và tăng vị thơm ngọt.
Còn lại các loại khác thì chủ yếu là luộc và xào.
Món măng luộc là phổ biến nhất, nó gắn với cái nghèo, thiếu thốn mỡ của ngày xưa lại tiện dụng. Món măng luộc thường được chấm với chẩm chéo, một loại gia vị chấm của người Thái. Với người Mường thì chỉ đơn giản là muối trắng và ớt xanh nướng.
Học tập người Thái nên người Mường cũng làm ra món chẩm chéo để chấm với măng cho riêng mình.
Họ rang muối trắng sau đó cho một ít giềng già, hạt dổi đã nướng, mì chính, tỏi, ót và rau diếp cá, giã nhuyễn. Với món chấm măng đắng luộc như này thì luôn chiều lòng được những người sành ăn khó tính nhất.
Với những tay bợm nhậu thì đây là món đưa cay lý tưởng, nhất là khi mâm có có nhiều thịt cá, mỡ màng.
Măng đắng để xào thường là loại măng lấy từ cây bương, tre, lường, mai… Tước bỏ phần mo nang già sau đó nạo mỏng, nếu sợ đắng có thể luộc qua sau đó bỏ ra xào, măng xào cháy cạnh với hành hoa và mùi tàu hoặc với lá chanh thái chỉ.
Nếu ai có dịp lên Hòa Bình vào dịp này thì đừng nên bỏ qua món ăn dân dã tuyệt hảo này.
Trần Vĩ