Tiếng chiêng của xứ Mường to, rõ, thanh thoát, lúc trầm lúc bổng mang cái hồn của núi rừng. Từ xa xưa, cồng chiêng xuất hiện đã trở nên rất quan trọng và linh thiêng trong sinh hoạt văn hóa của người Mường. Đến nay, tiếng chiêng có mặt mọi lúc, mọi nơi đã và đang trở thành những âm thanh, giai điệu phục vụ cho đời sống, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng, đời sống tinh thần của người Mường và trải dài trong suốt cuộc đời mỗi người con nơi đây.
Chiêng là vật quan trọng, linh thiêng trong đời sống người Mường (Nguồn ảnh: Internet)
1.Chiêng trong gia đình người Mường
Trong gia đình người Mường chiêng được coi như vật quý trong nhà và được coi là thước đo biểu hiện sự giàu có, quyền thế. Ngoài việc chiêng là nhạc cụ tạo ra âm thanh như để người Mường tái hiện âm hưởng cuộc sống thì chúng là vật linh thiêng mang may mắn đến cho mọi người, tiếng chiêng chúc phúc cho những đôi uyên ương trong ngày cưới, và thành khấn những linh hồn người con Mường về với đất mẹ; cồng chiêng của người Mường thúc giục những bước chân đi trảy hội Xuống đồng, gọi nhà nhà tới chia vui Cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no…
Ngoài việc sử dụng chiêng như biểu tượng gia thế của gia chủ, chiêng được người Mường sử dụng trong đời sống với hai chức năng chính, trước hết là chức năng thông tin, báo hiệu như: báo tang, gọi chó đi săn, nhà lang triệu tập hay báo hiệu việc gì đó…, thứ nữa họ sử dụng tấu các bài xắc bùa trong các lễ hội dân gian, ngày tết, ngày lễ, sử dụng như nhạc cụ trong ban nhạc tang lễ. Bên cạnh đó, người Mường xưa còn dùng làm của hồi môn cho con gái đi lấy chồng.
Chiêng được coi là vật biểu tượng cho sự giàu có, ấm no (Nguồn ảnh: Internet)
2.Ứng xử với chiêng
Cồng chiêng đã được truyền tụ qua nhiều thế hệ, trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường. Như đã nói ở trên, chiêng là vật quý, là vật linh thiêng, theo quan niệm chiêng cũng óc vía nên người Mường thường giữ gìn chúng rất cẩn thận và đặt treo chiêng ở những nơi trang trọng nhất trong nhà. Không giống như các dân tộc khác dùng tay vỗ hay dùng que cứng gõ vào mặt chiêng mà họ đánh bằng dùi, dùi đánh chiêng được làm bằng que cứng đầu đánh vào chiêng được bọc vải tạo nên cái đùm, đó là đặc điểm của văn hóa người Mường. Cùng với đó, mỗi lần dùng đến chiêng, người Mường thường phải gọi thức hồn chiêng bằng một bài hát khấn ngắn, hay còn gọi là bài Zẩyl chiêng – đánh thức chiêng.
B.T.Trang