Trung tâm lữ hành

0218 3854 374

Khách sạn Hòa Bình

0218 3853 777

Nghệ thuật dân tộc, Tin tức

Hòa Bình – nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống

Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, Hoà Bình là một tỉnh miền núi có nền “Văn hoá Hoà Bình” nổi tiếng – cái nôi văn hoá của người Việt cổ, là vùng sử thi huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”, là miền đất âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng, vùng của những lễ hội giầu bản sắc dân tộc Tây Bắc, của kho tàng phong phú về văn nghệ dân gian các dân tộc: Mường, Dao, Thái, Tày, H’mông… Là quê hương của những làn điệu dân ca “ngọt như mật ong, trong như dòng suối” … Mời bạn đến với mảnh đất Hoà Bình để cùng khám phá và cảm nhận vẻ đẹp của một miền văn hoá giàu bản sắc.
Hoà Bình là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó điển hình là các dân tộc Mường, Thái, Mông Đen. Đây là những tộc người có quá trình cộng cư lâu đời ở các huyện Tân Lạc, Mai Châu của tỉnh Hoà Bình, đã bảo lưu được những nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá dân tộc Việt Nam.
Hoà Bình – nơi có người Mường tập trung đông đảo nhất và cũng là nơi văn hoá Mường rõ nét nhất, chính vì thế nói văn hoá dân tộc ở tỉnh Hoà Bình thì trước hết phải nói tới văn hoá của dân tộc Mường. Do những đặc điểm về lịch sử và vị trí địa lý cho nên người Mường còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hoá cổ truyền. Phần lớn đồng bào Mường vẫn ở nhà sàn, uống rượu cần và có nhiều sinh hoạt văn hoá  cộng đồng trên nhà sàn.

                           Nhà sàn truyền thống của người Mường

 

                                 Phong tục uống rượu cần của người mường

Là một tôc người bản địa có cùng nguồn gốc xa xưa với người Kinh, sau khi phân hoá thành hai tộc người với đầy đủ yếu tố của từng dân tộc, người Mường tiếp tục lưu giữ và phát triển nền văn hoá của mình rất phong phú và độc đáo, đó là ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật…

              Cồng chiêng – nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mường

Nghệ thuật múa có múa “quạt ma” là điệu múa của các nàng dâu trong đám tang với ý nghĩa là quạt hầu cho hồn người quá cố. Điệu múa này có trang phục lộng lẫy và trang sức rất đẹp mắt.

                                             Múa quạt ma

Cùng với văn hoá Mường, văn hoá các dân tộc Thái, H’mông, Dao sống trên mảnh đất Hoà Bình đã tạo nên sự phong phú đa dạng cùng những nét riêng của văn hoá trên mảnh đất này.

Cũng giống như nguời Mường, người Thái Hoà Bình cũng làm nhà sàn, song nhà sàn Thái rộng hơn, sắp xếp quy củ hơn. Trang phục của người Thái đa dạng và hết sức độc đáo. Trang phục phụ nữ Thái có những hoa văn trang trí mang biểu tượng thiên nhiên đa dạng: chim muông, cây cỏ. mặt trời. Đai thắt lưng và khăn Piêu là những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Dân tộc Thái có nhiều lế hội mang sắc thái riêng: lễ ra lửa. lễ cưới, lễ cơm mới, lễ hội ném còn, múa quạt. Đặc biệt xoè Thái là hấp dẫn nhất. Nếu vào các bản thái và được thưởng thức hương vị cá đồ, măng đắng, là coi như bạn đã trở thành người khách quý.

            Điệu múa bông ca ngợi nghề trồng bông dệt vải của các cô gái Thái

Dân tộc H’mông Hoà Bình sống trên các đỉnh núi cao. Trang phục của người H’mông có kết cấu hoa văn khác lạ. Con trai H’mông có tục “Bắt vợ” rất thú vị và là quy ước để nâng cao giá trị người con gái. Người H’mông là tác giả của tục chơi cù quay, một trò chơi sôi động cuốn hút nhiều người tham dự. Tiếng khèn và những điệu múa khèn mang nhiều sắc thái tình cảm, văn hoá rất độc đáo. Khèn là người bạn tâm tình của người H’mông, nó đã ăn sâu vào từng phong tục, nếp sống của người H’mông.

Các chàng trai người H’mông sử dụng chiếc lá rừng để thổi lên những giai điệu để tỏ tình với bạn gái/ người yêu của mình

 

Các thanh niên người H’mông ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu đang giã bánh dày

Người Dao mỗi khi có cháu bé chào đời thường tổ chức lễ “Dâng hương cúng Mạ” để cầu mong cho cháu bé được lơn lên trong sự đùm bọc yêu thương. “Tết nhảy” là một nét độc đáo của người Dao mang sắc thái gia đình. Tết tổ chức ở một vài nhà nhưng được bản coi như tết chung. Tất cả mọi người đều ăn uống, nhảy múa vui vẻ trong 3 ngày liền. Du khách nếu có dịp đến đúng vào “tết Nhảy” thì khó mà từ chối một lời mời nhiệt tình của chủ nhân, chỉ khi nào bạn được ăn uống no say mới được về.

     Thanh niên nam nữ người Dao Tiền múa Chuông vào dịp Tết âm lịch tháng 3

 

                         Múa sạp là điệu múa đoàn kết các dân tộc

                    Có thể nói, văn hoá Hoà Bình với sự phong phú, đa dạng của nền văn hoá các dân tộc, đã để lại những giá trị to lớn không chỉ cho Việt Nam mà còn của cả thế giới. Các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mang đậm nét bản sắc văn hoá của các dân tộc, bản sắc văn hoá núi rừng Hoà Bình như: cơm lam, rượu cần, nhà sàn, vải thổ cẩm, kỹ thuật trồng lúa nước trên các chân ruộng bậc thang, ngôn ngữ, chữ viết, các áng mo mỡi, các làn điệu dân ca (ví đúm, thường rang, bọ mẹng), các nhạc cụ cồng chiêng, các điệu múa quạt và múa xoè, nhảy sạp, các phong tục, tập quán và lễ hội khác là sản phẩm trí tuệ được nhân dân các dân tộc Hoà bình đúc rút, sáng tạo trong lao động và được giữ gìn qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Những giá trị văn hoá đó tạo nên nền văn hoá Hoà Bình đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nên nét đặc trưng văn hoá, cốt cách nhân dân các dân tộc thiểu số Hoà Bình.

 

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?